Thống kê chi tiết cho biết, đến nay cả nước ghi nhận 16.887 ca mắc sốt xuất huyết, so với cùng kỳ năm 2023 số mắc giảm 1,6 lần; có 1 trường hợp tử vong, giảm 5 ca so với cùng kỳ.
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 12/4, toàn thành phố ghi nhận 570 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023). Các quận, huyện có nhiều ca mắc là Đống Đa (89 ca), Hà Đông (67 ca), Hoàng Mai (46 ca), Hai Bà Trưng (39 ca), Chương Mỹ (33 ca), Bắc Từ Liêm (32 ca).
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh toàn quốc do Bộ Y tế tổ chức, TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin, Việt Nam lưu hành cả 4 týp virus Dengue, tuy vậy trong năm 2023 týp D2 chiếm 88,7%; năm 2024 týp D2 chiếm 70,7%.
Phân bố theo thời gian trong năm cho thấy, trường hợp mắc sốt xuất huyết thường tăng cao từ tuần 26 đến tuần 47 (từ tháng 7 đến tháng 11)
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt bệnh nhân đã nhiễm virus rồi truyền sang cho người bình thường. Bệnh có 3 giai đoạn chính: sốt, nguy hiểm và phục hồi.
Ở giai đoạn sốt (3-7 ngày), bệnh thường khó phân biệt với một số bệnh nhiễm trùng khác. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo bệnh có thể có diễn biến đột ngột gây ra nhiều biến chứng đặc biệt nguy hiểm, thậm chí tử vong, thời gian phục hồi lâu.
Các chuyên gia cho hay, sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư. Do đó, đây là bệnh phải tập trung phòng, chống số một.
Về giải pháp phòng chống sốt xuất huyết, theo TS Đức cần tiếp tục loại bỏ bọ gậy, tiêu diệt muỗi trưởng thành khi có ổ dịch nhỏ; Khoanh vùng, cách ly điều trị bệnh nhân, nhất là diệt véc tơ.
Cùng đó xây dựng đội ngũ cán bộ tình nguyện tuyên truyền hướng dẫn dân loại bỏ dụng cụ chứa nước; Tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, tổ chức phun diệt muỗi tại các ổ dịch, trong cơ sở y tế điều trị.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, các trường hợp nhẹ hoặc sốt xuất huyết trong những ngày đầu có thể điều trị và theo dõi tại nhà. Cần uống đủ nước, dùng thuốc hạ sốt - giảm đau paracetamol, nghỉ ngơi, xét nghiệm công thức máu hàng ngày. Lưu ý không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid.
"Nhiều người chủ quan cứ nghĩ sốt xuất huyết là bình thường, cứ sốt vài ngày sẽ khỏi nên ở nhà, chỉ khi nào thấy xuất huyết mới đi viện. Thực tế là nhiều trường hợp sốt nhưng chưa có biểu hiện xuất huyết nhưng có bị cô đặc máu dẫn đến sốc, lúc này điều trị rất khó khăn thậm chí tử vong.
Khi có biểu hiện sốt, cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu chẩn đoán xác định và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, không tự ý điều trị tại nhà"- PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo.
Những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết:
Nhóm dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi.
Nhóm bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu. Không may khi sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu mà chảy máu, cầm máu rất phức tạp.
Nhóm người béo phì, phản ứng với sốt xuất huyết rất mạnh mẽ, tỉ lệ nặng ở nhóm này cao hơn. Khi xảy ra diễn biến nặng, xử lý khó khăn hơn rất nhiều.
Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể đẻ bất cứ lúc nào. Nếu tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu trong cuộc đẻ rất lớn.
Một số nhóm khác, người nhóm máu O có thể nặng hơn người nhóm máu khác...nhưng chỉ là những yếu tố phụ.
Thái Bình
Bình luận