Cơn bão số 3 (Yagi) đi qua đã gây không ít thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân. Không dừng lại ở đó, sau mùa mưa bão, nguy cơ bùng phát dịch bệnh khá cao khi môi trường trở nên ô nhiễm, ẩm thấp, tích tụ vi khuẩn, bụi rác, chất thải, …Chính vì thế người dân nên chú ý đề phòng một số bệnh có thể xảy trong mùa mưa bão để hạn chế tối đa bị lây nhiễm.
1. Sốt Xuất Huyết:
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan, bùng phát diện rộng. Nhất là khi trong mùa mưa bão, sự thay đổi nhiệt độ cùng môi trường ẩm thấp, nhiều nơi ngập lụt, động nước. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi Dengue sinh sản, tăng nguy cơ nhiễm bệnh ở cộng đồng.
Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, người dân cần giữ nhà ở thông thoáng, loại bỏ ao tù, nước động, bụi rặm - nơi muỗi có thể đẻ trứng và hình thành loăng quăng. Ngoài ra, mọi người hạn chế rác chất đống xung quanh nhà đồng thời đậy kín các thùng rác. Bên cạnh đó, người dân nên mặc quần áo dài, mắc màn, thoa kem chống muỗi khi ngủ.
Ảnh minh họa
2. Các bệnh về mắt, nhất là đau mắt đỏ:
Mưa bão đi qua khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm, tích tụ vi khuẩn, virus. Chính vì thế, nếu mọi người vô tình sử dụng nguồn nước ô nhiễm có nguy cơ gặp phải các vấn đề về mắt, đặc biệt là đau mắt đỏ. Các triệu chứng thường xảy ra bao gồm: khó chịu, mẩn đỏ, kích ứng, xuất hiện mụn mắt, sưng đau mí mắt, viêm kết mạc... Do đó, việc chú ý kiểm tra kỹ nguồn nước sinh hoạt trước khi sử dụng là vô cùng quan trọng trong mùa mưa bão. Đồng thời, mọi người nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để tăng cường ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Ảnh minh họa
3. Các bệnh liên quan đến rối loạn tiêu hóa:
Ngoài các bệnh về mắt, người dân có thể gặp phải các bệnh liên quan đến rối loạn tiêu hóa bởi nguồn nước ô nhiễm. Điển hình như bệnh tiêu chảy do vi khuẩn E.coli, bệnh tả, bệnh lị trực khuẩn, bệnh thương hàn, viêm gan A… gây nôn mửa, sốt, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, mất ngủ. Do đó, trong thời gian mưa bão, người dân nên hạn chế ăn rau sống, hải sản vì có khả năng nhiễm vi khuẩn, vius có trong nguồn nước ô nhiễm. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
4. Dễ gặp các vấn đề về da:
Sau mùa mưa, môi trường bị ô nhiễm khiến cho điều kiện sinh hoạt kém đi. Độ ẩm tăng cao làm tổn hại đến hàng rào bảo vệ làm cho da trở nên nhạy cảm, dễ tổn thương. Ngoài ra, môi trường ẩm ướt taoh điều kiện cho nấm mốc phát triển ở quần áo, giày dép gây ra các bệnh ngoài da. Chẳng hạn như nấm, ghẻ, mẩn ngứa, chốc lở loét...
Để phòng ngừa các bệnh về da trong mùa mưa bão, mọi người cần vệ sinh tay chân thường xuyên, mặc quần áo thoáng khí, tránh mang tất và giày ẩm ướt; sử dụng thuốc sát trùng, dung dịch muối và bột chống nấm trên các nếp gấp ở bàn chân và ngón chân; không dùng chung vật dụng cá nhân như khăn tắm, xà phòng, quần áo và giày dép.
Ảnh minh họa
Tra My
Bình luận