Quan điểm của các “siêu cường quốc” về tình hình bất ổn ở Myanmar
  • Home/
  • Tin Quốc Tế/
  • Quan điểm của các “siêu cường quốc” về tình hình bất ổn ở Myanmar
Tin Quốc Tế

Quan điểm của các “siêu cường quốc” về tình hình bất ổn ở Myanmar

Trong chuyến đi mới đây đến Naypyidaw (thủ đô Myanmar), Ngoại trưởng Bắc Kinh Vương Nghị cho biết, Trung Quốc phản đối tình trạng hỗn loạn ở Myanmar. Hoa Kỳ cùng các đồng minh gần đây cũng từng lên án cuộc đảo chính ở nước này, đồng thời kêu gọi các bên sớm kết thúc bạo lực và khôi phục dân chủ cho người dân.

Thông tin từ Chính phủ Cộng hòa Liên bang Myanmar (Government of Republic of the Union of Myanmar) đăng tải ngày 15/8, trong chuyến ghé thăm thủ đô Naypyidaw cùng ngày, Ngoại trưởng Vương Nghị đã gặp gỡ và trao đổi cùng Thủ tướng Myanmar - ông Min Aung Hlaing. Đại diện chính quyền Bắc Kinh cũng đã gặp gỡ người đồng cấp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar U Than Swe.

Quan điểm của các “siêu cường quốc” về tình hình bất ổn ở Myanmar

Cuộc gặp giữa đại diện chính quyền Bắc Kinh và Myanmar (Nguồn: Ministry of Foreign Affairs of China)

Theo thông tin Bộ Ngoại giao (Ministry of Foreign Affairs) Trung Quốc đăng tải ngày 14/8 cho biết, tại cuộc gặp, Thủ tướng Min Aung Hlaing cho biết, Myanmar mong muốn thúc đẩy hợp tác Vành đai và Con đường với Trung Quốc và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, năng lượng và các lĩnh vực khác với Bắc Kinh. Quốc gia này coi trọng quan hệ song phương, cam kết phát triển hữu nghị, kiên quyết tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc”.

Về phía Bắc Kinh, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Myanmar trong nhiều lĩnh vực. Điển hình như đẩy nhanh việc thực hiện các dự án lớn theo Sáng kiến Vành đai và Con đường và Hành lang kinh tế hai nước, đồng thời vận hành đúng dự án đường ống dẫn dầu khí Trung Quốc - Myanmar.

Quan điểm của các “siêu cường quốc” về tình hình bất ổn ở Myanmar

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng Thủ tướng Myanmar Min Aung Hlaing (Nguồn: Ministry of Foreign Affairs of China)

Bên cạnh cam kết về hợp tác thương mại, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng nhắc lại nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, tôn trọng truyền thống chính trị Myanmar và con đường phát triển mà nước này lựa chọn.

Bên cạnh đó, Trung Quốc phản đối tình trạng hỗn loạn và xung đột ở Myanmar, phản đối sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ của Myanmar và phản đối những lời nói, hành động cố gắng chia rẽ đôi bên cũng như bôi nhọ Trung Quốc.

Bắc Kinh kiên quyết ủng hộ Myanmar bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, cam kết bảo vệ hòa bình; ổn định trong nước và phát triển kinh tế; thực hiện hòa giải chính trị và sớm khôi phục quá trình chuyển đổi dân chủ, tìm ra con đường hòa bình và ổn định lâu dài.

Quan điểm của các “siêu cường quốc” về tình hình bất ổn ở Myanmar

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar U Than Swe (Nguồn: Government of Republic of the Union of Myanmar)

Trước đó vào tháng 5/2024, Văn phòng người phát ngôn thuộc Bộ Ngoại giao (Department of State, viết tắt: DOS) Hoa Kỳ trích dẫn tuyên bố chung của Washington, D.C cùng Chính phủ Úc, Canada, New Zealand, Na Uy, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu (EU) để đưa ra thông báo liên quan đến tình hình hỗn loạn và xung đột ở Myanmar.

Kể từ cuộc đảo chính tháng 2/2021, xung đột leo thang giữa quân đội chính phủ và “Liên Minh Ba Anh Em” Myanmar gây thiệt hại nghiêm trọng cho dân thường, dẫn đến khủng hoảng nhân quyền và nhân đạo trên khắp nước này.

Liên Minh Ba Anh Em bao gồm: Đội quân Dân tộc Arakan (Arakan Army), Đội quân Liên minh Dân chủ quốc gia Myanmar (Myanmar National Democratic Alliance Army) và Quân đội Giải phóng Dân tộc Ta'ang (Ta'ang National Liberation Army).

Theo báo cáo của DOS vào tháng 5, số người cần cứu trợ nhân đạo đã tăng từ 1 triệu lên 18,6 triệu người. Nhiều nguồn tin đáng tin cậy từ Hoa Kỳ cho biết, có xảy ra hành vi không kích vào nhà cửa, trường học, nơi thờ cúng và bệnh viện, tra tấn, sử dụng dân thường làm lá chắn và bạo lực tình dục, bạo lực giới (phụ nữ và trẻ em). Trên khắp đất nước Myanmar, hơn 1.000 thường dân đã thiệt mạng hoặc bị thương do bom mìn (số liệu năm 2023) và thương vong vẫn đang tiếp tục tăng nhanh.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ và Phương Tây cáo buộc, chế độ quân sự của Myanmar (quân đội) hạn chế quyền tiếp cận viện trợ nhân đạo của người dân. Ở Rakhine (bang phía tây nam của Myanmar), các thị trấn và làng mạc liên tục bị quân đội và các nhóm vũ trang nhắm tới. Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các bên có vũ trang đảm bảo an toàn cho dân thường. Đồng thời, nhấn mạnh việc cố ý sử dụng thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch sẽ làm bùng phát xung đột giữa các giáo phái và cộng đồng dân cư.

Quan điểm của các “siêu cường quốc” về tình hình bất ổn ở Myanmar

Trụ sở của Bộ Quốc phòng Myanmar (Nguồn: Ministry of Defense Myanmar)

DOS cũng nhận được báo cáo về tình trạng tuyển dụng quân sự ép buộc, bao gồm cả người Rohingya - nhóm sắc tộc người Ấn-Arya theo đạo Hồi, cư trú tại bang Rakhine, nhưng không được công nhận quốc tịch Myanmar.

Hoa Kỳ và các nước đồng minh đề nghị tất cả các quốc gia ngăn chặn hoặc chấm dứt dòng chảy vũ khí (vật liệu quân sự) và vật liệu sử dụng kép, bao gồm nhiên liệu máy bay cung cấp cho quân đội Myanmar. Đồng thời, yêu cầu chính quyền quân sự trả tự do cho những người bị giam giữ; kêu gọi các bên tạo đối thoại để nền dân chủ có thể được khôi phục; ủng hộ hướng tới một tương lai hòa nhập, phi bạo lực và dân chủ cho người dân.

Quan điểm của các “siêu cường quốc” về tình hình bất ổn ở Myanmar

Hoa Kỳ và đồng minh kêu gọi các bên đối thoại để khôi phục nền dân chủ cho người dân (Nguồn: White House)

Kane Nguyen

Bình luận